Dỡ bỏ barie về lãi suất
Theo quy định hiện hành, NHNN có trách nhiệm công bố LSCB làm cơ sở cho
các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh, song trong Dự thảo Luật NHNN mới nhất, NHNN vẫn tiếp tục đề nghị bỏ quy định này, cho dù trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật NHNN, nhiều đại biểu Quốc hội không chấp nhận điều này.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trên thế giới hiện chỉ còn 2 nước can thiệp trực tiếp vào lãi suất thị trường là Trung Quốc và Việt Nam, hầu hết các nước còn lại đều đã chuyển sang cơ chế điều hành lãi suất
gián tiếp. Cụ thể, hiện Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách giới hạn trần lãi suất huy động và sàn lãi suất cho vay.
Trong khi đó, Việt Nam lại giới hạn trần lãi suất cho vay thông qua LSCB (từ ngày 1/12/2009, LSCB được nâng từ 7% lên 8%, theo đó, trần lãi suất cho vay được nâng từ 10,5%/năm lên 12%/năm).
Còn các nước khác trên thế giới, ngân hàng trung ương can thiệp gián tiếp
vào thị trường thông qua việc áp dụng lãi suất tái cấp vốn (chiết khấu, tái chiết khấu, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác) để giải quyết mối quan hệ vay vốn giữa ngân hàng trung ương với các tổ chức tín dụng, từ đó tác động đến lãi suất trên thị trường.
Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, khái niệm LSCB được quy định trong Luật NHNN hiện hành và Dự thảo Luật NHNN khác xa với khái niệm LSCB theo thông lệ quốc tế. LSCB của các nước thực ra là lãi suất chủ đạo dựa vào lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái chiết khầu, lãi suất thị trường mở.
“Dù sử dụng lãi suất nào hay cả nhóm lãi suất này, thì LSCB của họ đều là lãi suất thực mà ngân hàng trung ương cho các tổ chức tín dụng vay vốn. Và người ta sử dụng công cụ này để gián tiếp can thiệp vào lãi suất trên
thị trường tiền tệ. Cụ thể, nếu cần phải giảm lạm phát thì ngân hàng trung ương nâng lãi suất tái cấp vốn, tổ chức tín dụng phải vay vốn với lãi suất cao hơn thì buộc phải cho vay cao hơn. Ngược lại, nếu muốn bơm vốn cho nền kinh tế để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh thì ngân hàng trung ương giảm lãi suất tái cấp vốn, nhờ đó tổ chức, cá nhân được vay vốn với lãi suất thấp hơn”, ông Giàu giải thích và khẳng định, LSCB hiện tại của Việt Nam là lãi suất ảo do tách bạch hẳn với lãi suất chủ đạo, mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, áp đặt vào thị trường và hạn chế sự tự do trong kinh doanh của các tổ chức tín dụng.
Ông Giàu kiến nghị Quốc hội bỏ LSCB để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự do cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Việc bỏ LSCB không phải là buông lỏng quản lý nhà nước đối với thị trường tiền tệ,
mà chỉ là việc chuyển hình thức quản lý trực tiếp kém hiệu quả sang hình thức quản lý gián tiếp hiệu quả hơn.
“Nếu thị trường tiền tệ có biến động hoặc nền kinh tế rơi vào khó khăn, thì ngay lập tức, NHNN sẽ can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ như đã từng thực hiện từ trước tới nay”, ông Giàu cam kết.
Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Văn Thuận và Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, ông Trần Thế Vượng cho rằng: “Kiên quyết không bỏ LSCB”.
Theo ông Hiển, nếu sử dụng các chính sách lãi suất khác thì việc tác động đến thị trường có độ trễ nhất định, trong khi đó, thực tế đã chứng minh, việc sử dụng LSCB tác động trực tiếp ngay đến thị trường tiền tệ và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khó khăn.
“LSCB chính là barie ngăn chặn việc tăng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng một cách quá mức. Nếu dỡ bỏ LSCB thì chúng ta không có công cụ để yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp kinh tế mà Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra”, ông Hiển nói.
“Việc bỏ hay không bỏ LSCB đúng là vấn đề hết sức phức tạp, nhưng không phải là không có hướng xử lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền phát biểu.
Theo ông Hiền, hướng xử lý vấn đề này là thay vì công bố LSCB mang tính mệnh lệnh hành chính, NHNN sẽ công bố một loại lãi suất nào đó để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường. Dựa vào lãi suất này, các tổ chức tín dụng tự xác định lãi suất theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ công bố một loại lãi suất khác tương tự như LSCB hiện nay,
nhưng chỉ để làm căn cứ áp dụng trong vay mượn dân sự, ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp cần thiết, NHNN phải có trách nhiệm can thiệp trực tiếp vào cơ chế lãi suất nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.